Đang truy cập: 8 Trong ngày: 126 Trong tuần: 366 Lượt truy cập: 570428 |
Ban quản lý dự án tiếp tục đầu tư bảo tồn, phục hồi, khai thác hợp lý tài nguyên đồng cỏ bàng Phú Mỹ; bảo tồn, phát triển làng nghề thủ công đan lát truyền thống, giúp hộ dân sinh sống quanh khu vực dự án nâng cao đời sống và đặc biệt là bảo tồn loài chim Sếu đầu đỏ có ở nơi đây.
Dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” triển khai thực hiện từ năm 2004 đến nay không những duy trì nguồn thức ăn dồi dào và môi trường sống thân thiện, lý tưởng cho Sếu đầu đỏ di trú về hàng năm tăng lên về số lượng mà còn góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer.
Cụ thể là năm 2004, Sếu đầu đỏ có ở nơi đây 5 – 6 con thì đến năm 2012 tăng lên 237 con, cho thấy vùng đồng cỏ bàng Phú Mỹ ngày càng trở thành nơi cư ngụ quan trọng cho Sếu đầu đỏ. Trong thời gian gần đây, ngoài đồng cỏ bàng Phú Mỹ là bãi đáp trú ngụ thường xuyên, loài chim quý hiếm này còn tìm bãi ăn và ngủ ở khu vực Nhà máy xi-măng Holcim (Kiên Lương); khu Hàng Bùn, phường Đông Hồ (thị xã Hà Tiên) và khu Lung Lớn, xã Kiên Bình (Kiên Lương).
Tiếp đến, dự án đã đào tạo nghề cho hơn 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón và may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp từ nguyên liệu cỏ bàng xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Dự án còn tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động đan đệm thô tại nhà có thu nhập ổn định, giữ gìn và phát huy nghề đan đát truyền thống, phát triển làng nghề của địa phương.
Theo Sở Khoa học – Công nghệ Kiên Giang, trên vùng đồng cỏ bàng Phú Mỹ, tỉnh đang tập trung xây dựng dự án ” Thành lập Khu bảo tồn Loài – Sinh cảnh Phú Mỹ″, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó ưu tiên bảo tồn đồng cỏ bàng duy nhất còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long và duy trì số lượng Sếu đầu đỏ về đây hàng năm nhiều hơn. Tổng diện tích khu bảo tồn 2.895 ha, trong đó có 1.200 ha đồng cỏ bàng hiện tại được quy hoạch là vùng lõi và còn lại 1.695 ha là vùng đệm. Theo đó, vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt và là vùng phục hồi sinh thái đa dạng sinh học. Vùng đệm tập trung phát triển an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông – lâm – ngư, chăn nuôi, khai thác dịch vụ, du lịch…
Đồng cỏ bàng tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành là một dạng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại diện tích 753 ha, lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đặc trưng nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ, ngập theo mùa và thực vật thích nghi chính yếu là cây cỏ bàng. Qua khảo sát ban đầu của ngành chức năng, nơi đây có 6 kiểu thảm thực vật đặc trưng gồm: bàng – mồm mốc, bàng – năng, năng nỉ, năng ngọt, tràm và ruộng lúa. Ngoài ra còn có nhiều loài phiêu sinh thực vật và động vật, động vật đáy, nhện, côn trùng thủy sinh, lưỡng cư bò sát. Cá có 23 loài thuộc 9 họ và 4 bộ. Chim có 132 loài thuộc 42 họ, với một số loài có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn do chúng nằm trong danh sách các loài bị đe dọa như: Đa đa, Gà gô, Cu xanh đầu xám, Giẽ giun Á châu, Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt bụng xám, Nhàn, Cắt lớn và đặc biệt Sếu đầu đỏ, Sếu cổ trụi là loài đang có nguy cơ tiệt chủng ở cấp độ toàn cầu./.
Lê Huy Hải
Người gửi / điện thoại