THỊT TÔM TÍCH GẠCH  130 con/Kg Nấm Tràm (sơ chế làm sạch luộc chín) Tổ yến sơ chế làm sạch (Giá biến động theo thời điểm) Mắm Cà Sỉu hộp 800g (nguyên con) Thịt Tôm tích 130-150 con/Kg Mặt dây chuyền  Dương biển - San hô đen Vòng tay Dương biển - San hô đen Vòng tay Dương biển - San hô đen Vòng tay Dương biển - San hô đen Vòng tay Dương biển - San hô đen Vòng tay Dương biển - San hô đen (3) Mật ong rừng tràm  thiên nhiên nguyên chất chai 500ml Cá trích Phú Quốc (Thịt phi lê) Thịt Cá Thu Phú Quốc Thịt cá bóp Cá trích Phú Quốc cắt đầu Nem Nướng (Kg) Chả lụa Cận (Kg) Thịt Hào bao Phú Quốc (Không vỏ) Khô cá Lóc mặn (Kg)

Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

Đang truy cập: 8
Trong ngày: 127
Trong tuần: 367
Lượt truy cập: 570429

Đặc sản Hà Tiên - Kiên Giang

 

Ốc giác

 

Ốc giác là loại ốc to con, có con hơn 1kg, mà phần thịt ốc chiếm hơn ½ trọng lượng. Loài ốc này thường sống theo các vùng đá rạng chìm khuất dưới mặt nước hoặc các vách đá, hang hốc ngập nước quanh chân các hòn đảo.

Sau khi bị bắt, con ốc giác có khả năng sống hàng tuần trong nước mặn. Trước nay, khi bắt được ốc giác theo những mẻ lưới tôm cá, ngư dân thường thưởng thức ngay món ốc này trên tàu như một tặng vật ngon lành của biển cả. Cách thưởng thức đơn giản món ốc giác là luộc hay nướng lên rồi chấm với muối tiêu chanh, hay nhắm kèm với một hạt muối, một trái ớt.

 

Từ đó người dân vùng Hà Tiên đã chế biến món ăn hấp dẫn - ốc giác trộn gỏi. Thịt của con ốc giác gồm hai phần đều ăn được, phần cùi ốc trắng trong, cứng giòn như mề gà; phần ruột ốc màu nâu nhạt, mềm, vị bùi và béo mà người ăn ốc giác sành điệu gọi là gạch hay gan. Con ốc giác sau khi rửa sạch phần vỏ, đem hấp chín (hoặc luộc), cùi ốc đuợc thái ra thành từng lát mỏng, sau đó trộn với bắp chuối (hoa chuối) thái mịn, rau răm, ớt, dầu ăn và gia vị. Phần ruột ốc xếp lên trên cùng cho khỏi nát, rồi rắc đều lên gỏi đậu phộng rang giòn.



Cồi biên mai

 

 

Biên mai là loài có nhiều ở vùng biển Hà Tiên. Người dân địa phương thường gỡ lấy thịt cồi, nướng trên than hồng, tạo thành món nhâm nhi thú vị.

Con biên mai có nhiều ở quần đảo Hải Tặc thuộc huyện Hà Tiên, Kiên Giang, xuất hiện ở những thềm đá ngầm sâu khoảng 5m. Đuôi biên mai dính vào mặt đá, thân đứng thẳng dập dềnh mở, khép miệng theo hơi thở chờ rong tảo hoặc phiêu sinh vật tấp vào mà ngậm miệng lại. Bên ngoài biên mai gồm hai miếng vỏ mầu xanh đầy rong rêu óp lại. Phía đầu to, đằng đuôi tóp nhỏ tựa hồ bắp chuối hột.

Sau khi gỡ biên mai, ngư dân dùng chài đập bể ra, cạy lấy miếng thịt bên trong nơi hai mép vỏ gắn lại. Miếng thịt đó gọi là "cồi" dày và lớn tương tự lát cau khô. Một tấn biên mai chỉ cho được 1 kg cồi tươi. Món ăn cồi biên mai phải ướp phụ gia: tàu vị yểu, tiêu, mỡ, muối... Thực khách dùng que cọng lá dừa dài khoảng hai tấc xiên ở đầu vài viên cồi biên mai, hơ trên bếp than.

Mùi thơm lựng và vị ngọt nếm vào nghe tê tái ở đầu lưỡi, xứng là món ngon lạ lùng của xứ biển Hà Tiên.

 

Gỏi cá trích

 

 

Gỏi cá trích trước nay từng nổi tiếng ở Phú Quốc, Vũng Tàu. Song gỏi cá trích Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn  có sức hấp dẫn riêng, làm "mềm lòng" không ít thực khách khó tình và sành ăn gần xa.

Muốn có món gỏi cá trích chất lượng, người ta phải chọn những con cá còn tươi rói, đánh vảy, rửa sạch rồi xắt mỏng thành từng miếng nhỏ.

Tuy cùng là món gỏi nhưng dân địa phương ở Hà Tiên có những cách chế biến khác nhau. Có người lấy thịt phi-lê cá trích ướp trước với ít nước cốt chanh hoặc giấm trong vài phút rồi chắt bỏ nước. Sau đó cho thêm nước mắm nhĩ, đường, gừng, ớt và củ hành tây xắt nhỏ, trộn đều lên.  Người khác thì phi tỏi, củ hành tím cho thơm lừng trước khi trộn với thịt cá tươi và cho thêm ít thính để khử mùi cá. Cách này trông quyến rũ hơn!

 

 

Nhưng muốn có một đĩa gỏi cá trích hảo hạng,  người đầu bếp  phải  chế biến đúng bài bản, nhất là không thể thiếu đậu phộng rang vừa giòn thơm và dừa nạo. Dừa nạo cho món này phải là dừa khô thật già để tăng độ béo. Kèm theo một đĩa bánh tráng dẻo, đĩa bún nhỏ sợi, rau non và nước chấm. Tốt nhất là rau vườn, rau dại như đọt xoài, đọt bứa, lá cách, tía tô, cải bẹ xanh... thêm vài trái chuối chát, vài trái khế và ít trái dưa chuột thì càng tuyệt. Riêng nước chấm phải chế biến từ nước mắm nhĩ thơm thanh, được gia vị hài hòa với một chút chua chua của giấm nuôi, cay cay của ớt hiểm giã và vị ngọt, độ béo của đường, đậu phộng rang giã nhuyễn.

Lúc ăn, bạn sẽ dùng đũa gắp cá, dừa, bún và rau cho vào chiếc bánh tráng rồi cuốn tròn lại, chấm, nhai từ từ để thưởng thức mùi vị đặc trưng của cá. Thịt cá trích trộn gỏi giòn hơn thịt cá mai và không tanh. Lắng đọng, bạn sẽ cảm  nhận cả mùi thơm nồng của rau cải, kết hợp với vị ngọt của cá, vị béo của dừa cùng các chất chua, cay, nồng của gia vị.

 

Bánh canh chả ghẹ

 

 

Chợ đêm Đông Hồ (Hà Tiên) có rất nhiều quán ăn, các món ăn rất đa dạng và đã đặt chân đến Hà Tiên, bạn nên thưởng thức món bánh canh chả ghẹ.

Chỉ những vùng ven Biển mới có thể làm món chả ghẹ bởi ở đó mới có loại ghẹ tươi mới vừa đánh bắt, thịt còn săn chắc và rất ngọt khi chế biến món ăn. Về cơ bản, thì bánh canh chả ghẹ cũng như các loại bánh canh khác. Duy có điều, chế biến với ghẹ thì phải nêm nếm cho phù hợp với loại thực phẩm này. Vì vậy, nước dùng của bánh canh chả ghẹ rất đặc trưng, đậm đà phong vị miền Biển.

Nồi nước dùng, ngoài việc nêm nếm bình thường, người ta còn cho vào một ít tôm khô, xương, thịt và đầu cá thu. Chính nhờ những nguyên liệu này mà nồi nước dùng có vị thơm, ngọt và mặn mà hương vị Biển. Còn chả cá thì được làm từ thịt của cá thu kết hợp với cá ảo. Cá ảo là những loài cá nhỏ, sau khi đánh bắt về, người ta lựa những con cá lớn ra, những loại cá vụn vặt còn lại được gọi là cá ảo.

Thịt của cá thu tươi được nạo ra, để lẫn trong các loại cá ảo, sau đó nêm gia vị gồm tiêu, tỏi, hành, nước mắm... rồi trộn đều lên, trộn càng đều chả càng thấm, ăn càng ngon. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào cối quết nhuyễn. Quết càng nhuyễn chả sẽ càng dai, rồi cho thêm ít mỡ xắt hạt lựu. Sau đó đem vo tròn thành từng viên cỡ ngón chân cái, rồi đem hấp chín.

Ghẹ sau khi luộc chín, được gỡ lấy thịt ra. Khi ăn, bốc bánh canh cho vào tô, chan nước dùng, sau đó để lên một ít chả, một ít thịt ghẹ, một hoặc hai trứng cút, cùng chút ngò gai xắt nhuyễn, tỏi phi, ớt bằm, nước mắm... làm cho tô bánh canh càng thêm bắt mắt.

Ăn tô bánh canh chả ghẹ, ngoài việc cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó, thực khách còn được cung cấp một nguồn năng lượng rất lớn vào cơ thể của mình bởi các Thực phẩm có nguồn gốc từ miệt Biển. Nếu có dịp đến Hà Tiên, Du khách nên tìm ăn thử món này. Bởi vì món này hiện nay được bán rất phổ biến ở đây cả đêm lẫn ngày.

 

Bún cá Hà Tiên

 

 

Bún cá Hà Tiên là một món ngon dễ làm, nhưng có những đặc trưng khác với nhiều nơi. Dù là món ăn dân dã nhưng kỹ thuật chế biến khá công phu: mua cá lóc còn tươi sống khoảng non 1kg/con trở lại.

Làm cá, chặt vây, cạo vẩy, rửa sạch, cắt làm hai khúc: đầu và đuôi. Đầu cá được cắt rời với nguyên bộ lòng. Rạch bao tử, lấy thức ăn ra, chà muối, rửa sạch. Tránh không để vỡ mật, giập gan thì bộ ruột mất ngon. Bộ ruột cá là phần ngon nhất của cá! Cá được đem hấp bằng xửng để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo bên dưới. Khi thấy cá chín nhăn da thì vớt ra, bỏ da, bẻ cá ra từng miếng bằng ngón tay, xếp gọn ra dĩa để riêng. Tiếp theo, sử dụng loại tôm to bằng ngón tay, còn tươi (tôm sú hoặc tôm sắt) đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp gia vị... trụng chín cho tôm săn lại múc ra tô để nguội. Cho tôm khô vào bọc vải sạch nấu sôi với nước lèo để tăng vị thơm ngọt. Nước lèo phải trong, ngọt nước và có hương vị mặn mà. Mùa mưa, cá lóc đồng thường có trứng, người ta cà nhẹ cho trứng tơi ra, cho vào nồi nước lèo, trứng nổi lên từng hạt nhỏ kết váng vàng tươi trông rất hấp dẫn.

Rau nhút cắt khúc sắp dưới đáy tô. Cho một vốc bún sợi nhỏ vào tô, chế nước lèo thật nóng vào bún, chắt ráo nước, sau đó cho cá và tép lên trên, đổ nước lèo nóng ngập tô. Ngắt vài cọng rau răm rải lên mặt với vài lát ớt đỏ. Nêm bún bằng nước mắm ngon nguyên chất Phú Quốc thì mới đúng điệu, làm tăng hương vị món bún cá. Đặc biệt, bún cá Hà Tiên không sử dụng hành lá, giá sống và rau thơm các loại, trừ rau răm.

 

Hủ tiếu hấp Hà Tiên

 

 

Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã của người Hà Tiên. Bán rong ở lề đường nhưng hủ tiếu hấp vẫn hấp dẫn thực khách…

 Nguyên liệu làm hủ tiếu hấp được sử dụng từ sợi hủ tiếu tươi. Sợi hủ tiếu dai và mềm được hấp cách thủy thay vì trụng nước sôi. Hủ tiếu để lượng vừa phải, thích hợp cho ăn nhẹ trong bữa điểm tâm. Nét khác của hủ tiếu hấp Hà Tiên so với các nơi chính là nước cốt dừa thắng sền sệt béo ngậy. Hủ tiếu hấp ăn với bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên. Riêng chả giò được làm từ khoai cao xắt sợi nhỏ, ướp gia vị và hành tiêu kết hợp với thịt xắt nhỏ. Nhờ đó, chả giò có vị bùi của khoai, ngọt của thịt và thơm của gia vị.

 Món ăn này được bán khá nhiều ở thị xã Hà Tiên nhưng lại hiếm khi xuất hiện ở các nhà hàng, quán ăn lớn. Theo những người sành ăn ở Hà Tiên, hủ tiếu hấp ngon nhất Hà Tiên bán ở góc đường Mạc Công Du-Lam Sơn, phía sau chợ nhà lồng cũ.

 

Xôi Hà Tiên

 

 

Nhiều du khách đến Hà Tiên (Kiên Giang) thưởng thức xôi dân dã vào bữa sáng đã buột miệng khen: “Xôi Hà Tiên ngon và đẹp”. Màu óng ánh và vị thơm của nếp, vị béo của dừa làm xao xuyến lòng người…

Xôi được nấu từ nếp thơm nên khi vừa chín đã thơm lừng. Đặc biệt, phụ nữ Hà Tiên nấu xôi rất khéo, hạt nếp chín có màu trắng ngà bóng lưỡng, thoạt nhìn đã kích thích thị giác và truyền xung thần kinh đến não tạo cảm giác thèm ăn nơi đầu lưỡi. Nếu chỉ ăn xôi không cũng thấy ngon vì mùi thơm lừng của nếp và độ vừa ăn. Xôi Hà Tiên có 2 loại ngọt và mặn. Xôi ngọt có thêm nước dừa sặc sánh và xoài chín được chế biến sền sệt như nước sốt. Bên trên để thêm chút dừa nạo sợi. Ăn vào béo ngậy, thơm tho. Xôi mặn Hà Tiên không để nhiều gia vị, thịt như các nơi khác. Xôi mặn Hà Tiên chỉ có lớp tôm khô giã sợi nhuyễn để trên bề mặt nhưng hương vị rất đậm đà. Mỗi gói xôi Hà Tiên nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay. Người ăn ít nhất cũng phải thấy thèm ăn thêm nữa khi đã ăn hết gói xôi.

 

Cà xỉu

 

 

Cà xỉu là một loại hải sản khá phổ biến ở vùng biển Hà Tiên. Thoạt trông, hình dáng bên ngoài của cà xỉu trông giống loài 2 mảnh vỏ nhưng quan sát kỹ trông giống các loài côn trùng trên cạn. Khi bắt được cà xỉu, người ta đem muối tương tự như muối ba khía. Các hàng quán mua cà xỉu muối về chế biến lại, tạo món "độc" cho ẩm thực Hà Tiên. Tuy vậy, không phải quán nào cũng có món này.

Theo các bà nội trợ, cà xỉu muối vốn đã ngon rồi nên ăn kiểu nào cũng ngon. Người dân địa phương thường ăn cà xỉu muối với cơm nóng: vắt nắm cơm vừa miệng ăn rồi kẹp con cà xỉu bên trong, ăn mãi quên thôi. Về sau, nhiều người biết đến món ăn dân đã này, cà xỉu mới chế biến thành nhiều món. Đầu bếp ở Hà Tiên thường chế biến món cà xỉu này tương tự như gỏi xoài, gỏi cóc với khô vậy. Cà xỉu muối được chần sơ qua nước nóng để giảm mặn. Xoài băm sợi nhuyễn trộn với rau răm. Sau đó, rưới nước giấm đường, pha thêm chút nước mắm Phú Quốc để tạo vị đậm đà. Trộn hỗn hợp này lại với nhau cùng với cà xỉu rồi rắc đậu phộng rang, hành phi để tạo thêm hương vị. Có người còn cho thêm củ hành tây xắt sợi... tùy khẩu vị. Ngon nhất vẫn là gỏi xoài cà xỉu. Vị chua, mặn, ngọt và cay của món ăn tạo cho khách cảm giác càng ăn càng thích. Đặc biệt, phần đuôi cà xỉu dài, có khi dài gấp 2-3 lần thân, sau khi muối có màu trong vắt, ăn rất giòn. Các đấng mày râu tin rằng, phần đuôi này "tốt" cho sinh lực nên "hảo" nhất món cà xỉu làm gỏi xoài. Một dĩa gỏi xoài cà xỉu khoảng 40.000 đồng, có thể làm thức nhắm cho 4 người đàn ông với ít nhất một lít rượu đế hoặc một thùng bia.
 


Nhiều du khách nhắc nhau: "Đến Hà Tiên, có ăn cà xỉu chưa?" hay "Đến Hà Tiên phải ăn cà xỉu nghen...". Tên quán Mỹ Tiên 333 dưới dốc cầu Tô Châu là địa chỉ quen thuộc của du khách thưởng thức món này.


Đậm đà răng mực chiên nước mắm

 

 

Đến du lịch tại Hà Tiên, thực khách sẽ tò mò, thích thú với món ăn có tên gọi là răng mực. Thực ra, đây là một đặc sản rất nổi tiếng của vùng ven biển này. Răng mực thực chất là những cục tròn tròn, nhỏ bằng đầu ngón tay trên phần đầu mực mà nhiều người thường lầm tưởng là mắt mực hay miệng mực.
 

Người dân ở đây thường chế biến nhiều món ăn chơi ngon miệng từ răng mực như nướng, xào bơ tỏi, chiên bột... và dĩ nhiên là không thể thiếu món răng mực chiên nước mắm. Trong những cách chế biến trên thì răng mực chiên nước mắm được nhiều người ưa thích. Những chiếc răng mực bé xíu được ướp gia vị và chiên giòn với nước mắm làm cho món ăn trở nên đậm đà thơm ngon.


Chế biến món này rất đơn giản, những chiếc răng mực được rửa sạch, ướp gia vị và đem chiên giòn. Sau đó, răng mực lại được cho lên chảo, chiên lại với nước mắm đã pha sẵn, khi răng mực chuyển sang màu vàng cùng hương thơm ngào ngạt là bạn có thể vớt ra và thưởng thức.


Món ăn sẽ thêm đậm đà khi bạn ăn kèm với tương ớt, chấm một cái răng mực vào chén tương ớt và cho vào miệng. Vị giòn, ngọt của răng mực, cái cay cay của tương ớt, hương thơm thoang thoảng của nước mắm tất cả hòa quyện vào nhau đem lại cho bạn một cảm giác rất thú vị, ngon miệng ăn hoài không thấy ngán.

 

Bún kèn Hà Tiên

 

Phải qua nhiều công đoạn chế biến rất tỉ mỉ cộng với bí quyết riêng mới có được tô bún kèn ngon đặc sắc. Trước tiên, cá mua về làm sạch, cá lớn cắt nguyên khúc, cá nhỏ để nguyên con, lạng bỏ da, lấy hết xương, thịt cá bóp cho thật nhuyễn. Nạo dừa thắng lấy nước cốt để riêng, nước “dảo” để riêng.

Công đoạn kế tiếp là bắc nồi lên xào dầu, sả, ớt, nghệ cho vàng và thật thơm rồi cho cá vào. Nước “dảo” để sẵn cho vào, nêm gia vị đường, bột ngọt, muối, không dùng nước mắm. Khi cá thật sôi, nhắc xuống mới cho nước cốt dừa vào. Nếu để trên lửa sẽ bị hôi dầu.

Tiếp theo, dùng một chảo nhỏ cho mỡ hay dầu vào thắng, cho bột điều vào xào, khi bột điều có màu đỏ tươi nhắc xuống, đừng để khét. Xong đổ hết vào nồi nước kèn, tạo nên màu đỏ lóng lánh đẹp mắt.

Các loại rau ăn kèm gồm dưa leo, đu đủ bằm nhuyễn, giá sống, húng cây, rau răm…tôm khô giã nhuyễn cho lên mặt.

Để có tô bún kèn hấp dẫn dọn ra cho thực khách, trước hết cho bún vào hơn nửa tô, giá sống, chan nước bún kèn ở giữa, chan một muỗng nước mắm ớt cay, một chút nước mắm trong, kế tiếp là muỗng tôm khô. Mùi thơm của cá biển, tôm khô, vị nồng nàn của bột điều, cay thơm của các loại rau đã hình thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng của vùng biển bạc Hà Tiên.
 

Bánh thốt lốt

Du khách đến chùa Hang được trẻ em người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản của vùng đất này: bánh thốt nốt được đặt trong những chiếc rổ tre, trông rất xinh xắn. Bánh thốt nốt là loại bánh dân dã của người Khmer Nam bộ, nay trở thành đặc sản.

 

 

Với các chuyên gia ẩm thực, bánh thốt nốt của người Khmer bán ở chùa Hang - Kiên Lương là sản phẩm của sự tinh tế. Bánh là sự kết hợp hài hòa từ những nguyên liệu đặc sản đặc trưng của địa phương.
 
Du khách đến chùa Hang được trẻ em người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản của vùng đất này: bánh thốt nốt được đặt trong những chiếc rổ tre, trông rất xinh xắn. Bánh thốt nốt là loại bánh dân dã của người Khmer Nam bộ, nay trở thành đặc sản. Chỉ có bà con Khmer mới có thể làm ra chiếc bánh ngon và đậm đà hương vị.
 
Cách làm bánh thốt nốt tương tự như bánh bò của phụ nữ Nam bộ. Vẫn là bột gạo, đường cát, nước dừa nhưng bánh thốt nốt có thêm nguyên liệu từ trái thốt nốt già. Cái thốt nốt già được chà vào rổ cho nhuyễn. Bà con lấy luôn nước để trộn vào bột gạo làm bánh. Bột được chọn làm từ những loại gạo ngon, thường là gạo lúa mùa để bột có độ dẻo thơm. Gạo được rút nước cho sạch cám rồi xay nhuyễn để ủ qua đêm.
 
Sau đó, người ta cho đường cát, một ít muối tạo vị vừa ngọt cho bánh, một ít nước cốt dừa tạo vị béo. Màu bánh tự nhiên bởi trái thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt. Bánh được gói trong lá chuối, tạo hình chữ nhật, bên trên rắc sợi dừa. Bánh hấp trên xửng, khi giở nắp ra tỏa ra mùi thơm nồng nàn, kích thích miệng tiết nước bọt thèm thuồng. Bánh để nguội, ăn càng ngon.
 
Bánh thốt nốt thường xuyên có mặt tại các kỳ ẩm thực dân gian hoặc các lễ hội ẩm thực lớn trên cả nước. Bánh thốt nốt cũng được nhiều thực khách đón nhận. Ăn thử một cái, khách muốn mở ngay cái thứ hai để ăn tiếp. Đến chùa Hang-hòn Phụ Tử, nhiều du khách mua vài chục cái, có khi cả trăm cái về làm quà... Hiện nay, Kiên Giang đã được sự hỗ trợ của Tập đoàn xi măng Holcim bảo tồn nghề làm bánh này ở địa phương vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa tạo được sản phẩm ẩm thực độc đáo đặc trưng địa phương phục vụ du lịch...
 
 

 

Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu

 
 

Cá nhám giàu có màu trắng, là tên gọi một loài cá nhám (cá mập nhỏ) của người dân Hà Tiên (Kiên Giang). Cá tương đối hiếm nên chỉ được ngư dân cung cấp cho các nhà hàng lớn hoặc người “đăng ký” trước chứ không bán tràn lan ngoài chợ.

Người Hà Tiên thường chế biến cá nhám giàu thành nhiều món ăn bổ dưỡng, rất ngon nhưng “số dzách” vẫn là nấu canh chua sả nghệ. Có thể nói, chỉ riêng vùng biển Kiên Giang mới có món này. Canh chua cá nhám giàu phải có sả bằm nhuyễn đâm chung với nghệ. Cách làm này mang cung cách ẩm thực Kinh - Khmer, lại giúp bán mùi tanh cá biển. Nếu không có măng chua, me tươi, me muối, có thể nặn vào món ăn này nước cốt chanh tươi.

 

Khi nấu, cắt cá từng khứa từ 1-1,5 cm. Không nên cắt dày hơn vì cá sẽ lâu chín, phải nấu nhiều lửa khiến “đồ bổi” nát nhừ, mất ngon. Bắc lên bếp, nồi cá sôi khoảng 5-10 phút, cho bạc hà, giá, khóm, cà chua, đậu bắp, bắp cải, măng tươi... rồi nêm chút đường. Nồi cá sôi lần nữa, múc ra tô, rắc rau ngò om xắt nhỏ với mấy lát ớt sừng. Bữa ăn chỉ cần có cơm gạo thơm nóng hổi, tô canh chua cá nhám giàu cùng một món mặn là ý vị lắm rồi. Ăn kèm với lẩu cá nhám giàu canh chua sả nghệ cũng có thể là đĩa bún trắng tươi, đĩa rau muống và nước mắm trong. Lẩu cá nhám giàu canh chua sả nghệ là sự kết hợp hài hòa giữa vị chua chủ lực của món lẩu, hương vị đặc trưng của sả và nghệ, tạo ấn tượng khó quên.

Ngày thường, giá cá nhám giàu khoảng 140.000 đồng/kg nhưng có lúc lên cao ngất ngưởng. Tết Tân Mão 2011 vừa qua, giá cá bán tại Hà Tiên 280.000 đồng/kg. Giá cao vậy vì từ rất lâu, người Hà Tiên tin rằng cá nhám giàu là một loại cá “tâm linh”. Chữ “giàu” trong “cá nhám giàu” sẽ giúp họ làm ăn phát đạt khi thưởng thức món này trong những ngày đầu năm mới.

 

Bún nước kèn Hà Tiên: Đậm đà hương vị Nam Bộ
 
Nguồn: Báo Cà Mau
 

 

Mỗi khi về với miền Tây Nam Bộ, du khách thường thích thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng đất này như: bún bì, bún chả giò, bún thịt nướng, bún cà ri, bún nước lèo của bà con Khmer. Những món bún này, chúng ta có thể thưởng thức bất kỳ đâu trên khắp vùng ĐBSCL nhưng muốn ăn bún nước kèn thì phải đến Hà Tiên (Kiên Giang) mới có.


 

Quán bún nước kèn của Bà Sáu là quán bún gần như độc quyền và lâu đời nhất tại con đường chính ngay trung tâm thị xã Hà Tiên. Không khó để tìm gặp quán bún của bà Sáu, hỏi bất kỳ ai cũng biết vì bà Sáu đã có hơn nửa đời người tần tảo với quán bún này. Giờ đây hai người con gái của bà cũng “nối nghiệp” mẹ duy trì nghề gia truyền này.

 

Khi đến quán, du khách sẽ được thưởng thức tô bún màu vàng nóng hổi cùng một dĩa rau thơm. Cho thêm rau vào tô, thêm nước chanh, chút ớt, chút nước mắm, trộn đều và bắt đầu thưởng thức.

 

Thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm của rau, độ giòn của giá sống hoà quyện với vị ấm của bún, vị béo của nước cốt dừa, nhất là vị chua của chanh và vị cay của ớt.

 

Vừa thưởng thức vừa nghe bà Sáu kể về cách làm bún thật thú vị. Cá lóc đồng được làm sạch, thả vào nồi nước sôi. Sau khi cá chín, vớt ra, để nguội và rỉa thịt, bỏ xương. Một phần thịt cá làm chà bông, tán thành bột; phần còn lại để đó.

 

Phi hành, tỏi cho vàng (không dùng mỡ, dầu) rồi cho bột cari, đinh hương, bông tai vị, quế, bột cá xào chung với thịt cá.

 

Sau đó cho tất cả hỗn hợp này vào nồi nước luộc cá, nêm gia vị vừa ăn, cho nước cốt dừa vào, rải chút ớt lên mặt và để lửa liu riu. Những gia vị đó sẽ hoà quyện cùng nhau tạo nên một mùi vị thật lạ và khó quên.

 

Hãy một lần ghé qua Hà Tiên và thưởng thức tô bún nước kèn, bạn sẽ thêm yêu vùng đất và con người miền Tây Nam Bộ với nét văn hoá ẩm thực đặc trưng và những con người chân chất, hiền hoà, mến khách./.

 


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

 Hãy gọi cho chúng tôi để được phục vụ: 0907.252689 - 0989.299011

Cơ sở Thanh Hằng - Cửa hàng Đặc Sản Kiên Giang

Trụ sở giao dịch : 278 Lê Hồng Phong, Khu phố 5, Phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang.

Giấy phép kinh doanh số : 56A 8015959 do UBND TP Rạch Giá cấp ngày 28/8/2013